Trang chủTin tứcTin trên báo chí

Dòng tiền nóng đổ vào ví điện tử của Việt Nam

Dòng tiền nóng đổ vào ví điện tử của Việt Nam

04/05/2020Chia sẻ : 

Báo Đầu tư – Hàng loạt ví điện tử Việt Nam nhận được nguồn đầu tư lớn từ các đối tác, biến ví điện tử trở thành lĩnh vực đầu tư nóng nhất trong thời gian qua.

.Năm 2020 sẽ có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt trong lĩnh vực fintech ở thị trường Việt Nam.
Năm 2020 sẽ có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt trong lĩnh vực fintech ở thị trường Việt Nam.

“Ông lớn” bơm máu ví điện tử Việt

Từ cuối năm 2019 đến nay, một dòng tiền lớn đổ vào Việt Nam mà địa chỉ đến là các ví điện tử, thông qua hình thức mua bán – sáp nhập (M&A).

Nguồn thông tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, ZaloPay (thuộc VNG) đã bất ngờ chuyển nhượng cổ phần cho một đối tác.

Theo đó, ZaloPay đã tiến hành tăng vốn thông qua việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.

Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Zion (đơn vị vận hành ZaloPay) giảm từ gần 100% xuống còn 60%, đổi lại, VNG thu về hơn 464 tỷ đồng.

Sau đó, ZaloPay tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng.

Một ví điện tử khác cũng âm thầm thực hiện chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài là eMonkey.

Đáng chú ý, đối tác của eMonkey là Ant Financial (công ty con của Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba).

Số tiền không được tiết lộ, nhưng được biết, Ant Financial “sẽ có ảnh hưởng đáng kể và cung cấp chuyên môn kỹ thuật cho ví điện tử này”.

Trước đó, VNPay đã hoàn tất thương vụ với SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC của Chính phủ Singapore.

Theo đó, SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC đã đầu tư gần 300 triệu USD vào VNpay, khiến fintech này trở thành cái tên đình đám thời gian qua.

Hiện VNPay cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong năm 2019, ví điện tử Momo công bố thông tin nhận vốn “khủng” chưa từng có trong giới fintech Việt Nam, đến từ nhà đầu tư Warburg Pincus.

Theo Crunchbase, số vốn đầu tư mới nhất rót vào Momo trị giá 100 triệu USD và đến nay, Momo đã huy động được 133,8 triệu USD.

Một thương vụ đáng chú ý khác là Công ty cổ phần VinID với 80% thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup cũng đã hoàn tất thủ tục để mua lại nền tảng ví điện tử MonPay vào đầu năm 2019. Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ.

Ngoài ra, còn các thương vụ khác như thương vụ sáp nhập đáng chú ý của ví điện tử Vimo và mPOS đều của NextTech; Grab mua lại cổ phần của Moca…

Theo báo cáo “Fintech tại khu vực ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh” vừa được Ngân hàng UOB, Tổ chức PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố, đầu tư vào lĩnh vực fintech ở Việt Nam chiếm đến 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này toàn khu vực ASEAN trong năm 2019. Điều này đã cho thấy sự nóng bỏng của fintech Việt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường sẽ vô cùng khốc liệt

Sự tham gia của làn sóng M&A vào fintech là tất yếu trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và việc Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA, mà trong đó có các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo cho rằng, fintech là lĩnh vực tập trung nhiều start-up và đòi hỏi đầu tư lớn. Doanh nghiệp fintech cần vốn đầu tư để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; quảng bá sản phẩm ra thị trường và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, tuyển dụng tài năng về làm việc. Đồng thời, đây là một lĩnh vực mới, nên mức độ mạo hiểm khá cao.

“Có vẻ như các nhà đầu tư trong nước không mấy mặn mà với lĩnh vực này và kế hoạch phát triển của đa số doanh nghiệp fintech vẫn phải trông đợi vào dòng vốn có yếu tố nước ngoài”, ông Diệp bình luận.

Theo báo cáo của J.P.Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử được thực hiện qua ví điện tử tại Việt Nam. Con số này ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%).

Cũng theo ông Diệp, sự tham gia của các “ông lớn” sẽ khiến thị trường fintech trở thành một chiến trường, mà ở trong đó, sẽ không có chỗ cho các ví điện tử, các start-up fintech nhỏ.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin nhận định: “Năm 2020 sẽ có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt trong lĩnh vực fintech ở thị trường Việt Nam”.

Theo ông Vĩnh, Nhà nước đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng dịch vụ số cung ứng cho người tiêu dùng. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ tài chính số của mình. Các doanh nghiệp với sự đầu tư của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài, tập đoàn nước ngoài đã thành công trên thị trường quốc tế sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, khiến cuộc đua tranh giành thị phần tài chính số ngày càng khốc liệt hơn.

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến hai xu hướng phát triển của các ví điện tử: Một là, sáp nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn. Hai là, tự phát triển hệ sinh thái cho riêng mình. Dù theo xu hướng nào thì sự cạnh tranh giữa hàng chục ví điện tử vẫn diễn ra khốc liệt. Trong đó, yếu tố sức mạnh tài chính sẽ đóng vai trò quyết định cho sự thành bại.

Sau khi được “tiếp máu” bằng đầu tư mạnh mẽ của các quỹ đầu tư nước ngoài, các ví điện tử đã bắt đầu phát triển, vươn lên khẳng định vị thế, chiếm lĩnh thị phần.

Trong bối cảnh đó, các ví điện tử ít vốn chỉ có thể dựa vào ưu thế là hiểu biết thị trường bản địa, nắm bắt được nhu cầu của người dân, có thể cung cấp dịch vụ cá thể hóa để giành thị phần. Bên cạnh đó, lựa chọn hướng đi hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính số sẽ giúp các doanh nghiệp fintech nội cải thiện sức cạnh tranh với các “ngoại binh”.

Link bài: https://baodautu.vn/dong-tien-nong-do-vao-vi-dien-tu-d121094.html?fbclid=IwAR2R49Jydbms2JdPIUisk-kMAdXCt7PTqDRE7JUDjHGEqvPID5x9N76w0UI