Trang chủTin tứcTin tức chung

Fintech Việt cần vươn mình trong năm chuyển đổi số quốc gia 2020

Fintech Việt cần vươn mình trong năm chuyển đổi số quốc gia 2020

16/04/2020Chia sẻ : 

Năm 2020 đã được Bộ TT&TT tuyên bố là năm chuyển đổi số quốc gia, để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, một xã hội số. Trong bối cảnh đó, các ngành công nghệ, kinh tế… đều cần nỗ lực để vươn mình và lĩnh vực fintech Việt càng phải tận dụng tối đa cơ hội.

Hiện tại, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, dự thảo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Bộ TT&TT hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Chuyển đổi số là xu hướng để thành công trong các doanh nghiệp

Theo đó, khi phát triển Chính phủ số, cơ quan nhà nước sẽ đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, hướng tới hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Khi phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải có chiến lược và cách tư duy mới để cải tổ doanh nghiệp, hướng tới tăng năng suất lao động, tạo ra doanh thu mới, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam chúng ta có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số có năng lực, có tiềm lực, có đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp công nghệ số rất sáng tạo.

Các doanh nghiệp này đang chuyển hướng Make in Vietnam, sáng tạo các sản phẩm Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số. “Chúng ta có thể tự hào nói rằng, hầu hết các sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số đều có thể do các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng tin tưởng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT nhận định, những sự kiện năm 2019 của ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, vừa là định hướng cho một giai đoạn mới, vừa là sự khích lệ, là ngọn cờ tập hợp lực lượng. Trong đó, bộ mã bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến gần 24 triệu hộ gia đình Việt Nam là thông điệp về một hệ thống bán lẻ với 24 triệu siêu thị. Siêu thị điện tử hiện diện trong từng hộ gia đình. Mạng lưới bưu chính chuyển phát sâu rộng đảm bảo dòng chảy vật chất của các giao dịch thương mại điện tử.

Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hoá năm 2020 là tuyên bố từ nay, Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới.

Cho phép nhà mạng viễn thông thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của chính phủ về việc giao cho nhà mạng đảm nhận thêm vai trò của các nền tảng mới, như nền tảng số, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Giai đoạn “chín muồi” cho fintech Việt Nam và cơ hội thanh toán không tiền mặt

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” vừa được Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì, Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO) tổ chức tại TP.HCM đầu năm 2020, ông Trần Việt Vĩnh, CEO công ty Fiin cho rằng, trong hai ba năm gần đây thị trường fintech đang phát triển bùng nổ. 10-15 năm trước khi thị trường fintech Việt Nam manh nha, ban đầu chỉ có một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhưng dần dần đã có thêm những doanh nghiệp trong nước gia nhập và hiện nay là giai đoạn “chín muồi” cho phát triển thị trường fintech Việt Nam.

Ông Trần Việt Vĩnh khẳng định các công ty fintech Việt Nam cần phải tập trung phát triển mạnh, có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng vượt qua dịch co-vid 19

Nếu như trước đây, việc sử dụng các các ứng dụng online để thanh toán còn khá xa lạ, chủ yếu sử dụng tiền mặt nhưng đến hai ba năm gần đây khi các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam thì các ứng dụng thanh toán như Momo, Grab, VNPay,… đã phát triển nở rộ và ngày càng phổ biến với người dân.

Với chính sách phát triển không tiền mặt của Chính phủ, đến 2020 mục tiêu đạt 30% nhưng hiện nay mới đạt 10%. Cùng với sự đầu tư ngày càng lớn của các doanh nghiệp thị trường fintech Việt Nam đang có một bước đà để phát triển và sẽ ngày càng thăng hoa.

Tuy việc phát triển này cũng sẽ dẫn đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt nhưng cạnh tranh khốc liệt là bản chất của thị trường, sẽ có doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường theo quy luật M&A.

Một số doanh nghiệp đang đầu tư tiền để thu hút người dùng và thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang xã hội không dùng tiền mặt, điều này tiêu tốn kinh phí rất lớn. Nhưng rất may có nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư rất lớn vào để thay đổi thói quen này. Trong bối cảnh đó doanh nghiệp nào bắt kịp xu thế và đầu tư lớn vào thì sẽ chiếm được thị phần lớn.

Fintech sẽ thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, tài chính bền vững

Trước đó, trong khuôn khổ Hội thảo “Toàn cảnh Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2019 – Định hình tương lai Fintech Việt Nam”, với sự tham gia của đại diện các cơ quan bộ, và nhiều các tập đoàn công nghệ hàng đầu, các công ty, tổ chức tài chính cả trong và ngoài nước như: LienVietPostBank, Viettel, VNPT, Fiin, Intel, FPT, CMC… đã có nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia về hướng phát triển thị trường Tài chính Công nghệ tại Việt Nam trong tương lai.

Theo đó, các chuyên gia nhận định Fintech đang là xu hướng phát triển vũ bão không chỉ ở Việt Nam mà xuất hiện trên toàn thế giới, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển. Minh chứng cho thấy, trên thế giới có khoảng 10.000 công ty Fintech hoạt động song song với các ngân hàng trong các lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn cộng đồng, cho vay, đầu tư và tư vấn đầu tư… Tại Việt Nam, các công ty Fintech đang bùng nổ với con số trên 100 doanh nghiệp và hoạt động rất mạnh mẽ trong khoảng 3 năm trở lại đây.

CEO Trần Việt Vĩnh khẳng định Fintech là giải pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy tài chính toàn diện, tài chính bền vững.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mỗi giờ.

Do vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lan tỏa rất to lớn, có thể mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với toàn bộ hoạt động kinh tế.

Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, các ngân hàng cần sự hợp tác của các công ty Fintech để giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với hiệu quả cao trên nền tảng công nghệ mới. Do vậy, sự phát triển Fintech sẽ trở thành một trong những vấn đề mà ngành ngân hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Việt Vĩnh, CEO của Fiin nhấn mạnh: “70% người trưởng thành tại Việt Nam còn khó hoặc không tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, Fintech với các giải pháp công nghệ mới có thể giải được bài toán lớn này.

Cũng theo ông Trần Việt Vĩnh, năng lực công nghệ của các công ty fintech sẽ sớm đáp ứng kỳ vọng trong quá trình chuyển đổi số, góp phần phổ cập tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cho người dân; thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; cung cấp đa dạng dịch vụ/sản phẩm tài chính thuận tiện, phù hợp nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả mọi người.

2020, liệu fintech Việt Nam có vượt qua đại dịch, cất cánh cùng quá trình chuyển đối số quốc gia hay không, chúng ta cùng hy vọng và đợi chờ.

 

Thao khảo thêm các nguồn:

https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/bo-truong-nguyen-manh-hung-dai-dich-covid-19-tao-co-hoi-tram-nam-cho-chuyen-doi-so-quoc-gia-628348.html

https://vov.vn/cong-nghe/nam-2020-la-nam-chuyen-doi-so-quoc-gia-tien-toi-mot-viet-nam-so-994723.vov

https://bizlive.vn/kinh-doanh/chien-tranh-my-trung-dang-gay-ra-nhieu-bat-loi-nhung-chung-ta-da-dung-cam-vuot-len-3532071.html