Thời báo Ngân hàng – Hoạt động hỗ trợ tiểu thương, doanh nghiệp siêu nhỏ trong tiếp cận vốn tín dụng đi liền với cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đang được nhiều ngân hàng và fintech đẩy mạnh trong các tháng cuối năm.
Đầu tháng 9/2022, tại TP.HCM, các NHTM, như HDBank, SeABank và ACB đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận Tân Bình tổ chức thí điểm việc kết nối giữa ngân hàng với các tiểu thương tại chợ truyền thống. Theo đó, gần 200 tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) đã kết nối với các ngân hàng. Qua kết nối này ngân hàng giới thiệu các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn lưu động và hỗ trợ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi nhập hàng, thanh toán mua bán hàng hóa cho bà con.
Đại diện Phòng Kinh tế quận Tân Bình cho biết, sau một tháng triển khai thí điểm, hiện nay hầu như tất cả các tiểu thương đăng ký thuê sạp và ki-ot tại chợ Phạm Văn Hai đều đã tiếp cận các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng. Từ nay đến cuối năm địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng khác mở rộng kết nối tại các chợ khác như chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bàu Cát, chợ Tân Bình…
Việc hỗ trợ tiểu thương tại chợ truyền thống như cách làm của HDBank, SeABank và ACB hiện nay đã không còn là trường hợp cá biệt. Bởi quan sát của phóng viên trên thực tế cho thấy, chợ truyền thống đang là kênh mở rộng khách hàng được nhiều NHTM và các fintech tập trung đẩy mạnh nhằm phát triển các sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ và các dịch vụ thanh toán.
Tại TP.HCM, trong quý III năm nay, MB và BIDV cũng đã triển khai rầm rộ chương trình thanh toán không tiền mặt tại các chợ truyền thống khu vực quận 1 và quận 5. Các ngân hàng này đã tặng hàng nghìn máy POS cho các hộ kinh doanh tại chợ Bến Thành, chợ An Đông và chợ Bình Tây.
Trong khi đó, ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang… xu hướng hình thành các “chợ không tiền mặt 4.0” đang được các ngân hàng, Fintech và DN viễn thông thúc đẩy khá mạnh.
Tại Đà Nẵng theo ghi nhận đã có khoảng 20 chợ truyền thống áp dụng mô hình thanh toán không tiền mặt với sự hỗ trợ của nhà mạng Viettel. Đến hiện tại đã có 2.000 tiểu thương áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua mã VietQR kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử, hoặc đăng ký các tài khoản Viettel Mobile Money để thanh toán các khoản nhỏ lẻ. Trong khi đó, tại Cần Thơ, Hậu Giang, nhà mạng VNPT và các NHTM đã triển khai mô hình chợ 4.0 tại hàng chục chợ truyền thống tại các khu vực buôn bán nông sản trọng điểm.
Không chỉ hỗ trợ các hình thức thanh toán trực tuyến, hiện nay khối doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương tại các chợ truyền thống là khách hàng mục tiêu của khá nhiều NHTM trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng vi mô, tín dụng tiêu dùng.
Ghi nhận từ thị trường, hiện nay hàng loạt các ngân hàng, như BIDV, VietinBank, Sacombank, HDBank, VPBank, NCB, Eximbank… đều đang dồn dập triển khai các sản phẩm tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho các tiểu thương chợ truyền thống. Nhiều ngân hàng như BIDV, HDBank, ACB đã tổ chức các đợt đưa cán bộ tín dụng đến trực tiếp các chợ truyền thống để triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất.
Các fintech cũng phối hợp với đối tác để kết nối cho vay hoặc cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khá mạnh cho nhóm khách hàng là tiểu thương chợ truyền thống. Đơn cử, SmartPay (một đối tác của FE Credit) mới đây đã tung ra thị trường thiết bị thanh toán đa năng SmartPOS.
Theo thông tin từ DN này, đến hiện tại đã có gần 3.000 người bán đăng ký làm nhà bán hàng sử dụng SmartPOS. “Số lượng tiểu thương sử dụng SmartPOS tăng gấp đôi sau mỗi tháng, nên chúng tôi có thể kỳ vọng nhân rộng lên mức 3.500 tiểu thương sử dụng sản phẩm này trong vòng 3 năm tới”, đại diện SmartPay cho biết.
Về hoạt động kết nối nhu cầu vay vốn, ông Trần Việt Vĩnh, Tổng Giám đốc Fiin Credit cho hay, hiện ứng dụng kết nối vay vốn dành cho tiểu thương của DN này đang được hàng ngàn tiểu thương sử dụng để kết nối vay vốn từ các TCTD. Các tiểu thương chợ truyền thống có thể vay hạn mức 100 triệu đồng với nhiều gói trả góp linh hoạt, lãi suất phù hợp với thị trường.
Đại diện Kim An Group – một fintech chuyên về kết nối cho vay DN nhỏ, siêu nhỏ và tiểu thương cũng cho biết, nhu cầu vay vốn kinh doanh của tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ và DN ở các địa phương đang rất lớn. Trong các tháng cuối năm, fintech này dự kiến sẽ kết nối khoảng 10.000 DN nhỏ và tiểu thương, hộ kinh doanh đến các TCTD để vay vốn lưu động. Bên cạnh đó DN cũng sẽ hợp tác với các sàn điện tử và các ngân hàng nhằm hỗ trợ các tiểu thương, hộ kinh doanh chuyển đổi số, áp dụng các hình thức thương mại trực tuyến và giao dịch không tiền mặt.
Không chỉ nhóm fintech trong nước, hiện nay các nền tảng tài chính số quốc tế như Telio, Validus, K-Bank, Haravan… cũng thúc đẩy mạnh hoạt động kết nối với nhóm khách hàng tiểu thương trong nước.
Chẳng hạn, Validus mới đây đã kết nối 9.000 thành viên của DHAC (trực thuộc TTC Group) và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng với đối tác được phép triển khai khoản vay để phát triển các khoản vay nhỏ lẻ tại các DN siêu nhỏ. Trong khi đó K-Bank (Thái Lan) đã hợp tác với KiotViet và các công ty trực thuộc Seedcom để cung cấp khoản vay cho khách hàng tiểu thương và DNNVV.
Những diễn biến trên cho thấy, trong các tháng cuối năm 2022, việc tiếp cận vốn vay và các sản phẩm thanh toán dành cho nhóm DNNVV, hộ kinh doanh khá đa dạng và nhiều ưu đãi để chọn lựa.
Sự chủ động tiếp cận từ các NHTM, công ty tài chính, fintech sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường tín dụng tiêu dùng, tín dụng kinh doanh mùa cao điểm, đồng thời sẽ tạo ra làn sóng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở các địa phương và các ngóc ngách lĩnh vực của nền kinh tế.
Link gốc: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-vao-tan-cho-phuc-vu-tieu-thuong-131405.html